6 xu hướng thiết kế logo trong năm 2019

874

Con người chúng ta thường có thiên hướng tìm hiểu và nhận dạng nhiều mẫu khác nhau. Vì vậy, khi nói đến thiết kế logo, hay với các tác phẩm thiết kế khác, thì việc tìm tòi, nhận dạng các xu hướng mới nhất luôn là điều vô cùng tự nhiên, nhưng bên cạnh đó việc xác định liệu một xu hướng nào đó có thật sự tồn tại hay không cũng rất dễ nhầm lẫn.

Vậy những xu hướng thiết kế logo là gì?

Chris Harmon, giám đốc sáng tạo của Loyalkaspar cho biết: “Việc tìm kiếm ra những xu hướng trong các hoạt động nghệ thuật có thể khá phức tạp. Đôi khi bạn sẽ bị cuốn hút theo sở thích riêng và tự bản thân cho rằng đó là xu hướng”.

Để định nghĩa và tìm ra những xu hướng trong thiết kế logo không phải là điều dễ dàng. Nếu muốn hiểu thêm về vấn đề này, bạn có thể xem qua 6 xu hướng thiết kế logo trong năm 2019 dưới đây.

1.  Simplification (Sự tối giản)

Chúng ta sẽ bắt đầu với một xu hướng đã trở nên phổ biến trong nhiều năm nay và vẫn không có dấu hiệu giảm bớt: đơn giản hóa. Theo lời của Joe Flory, giám đốc thiết kế của FINE, thì ông cho rằng: “Đây là một xu hướng bao quát, tránh những trang trí không liên quan, cần thiết, nhằm mang đến xu hướng thẩm mỹ đơn giản nhất”.

Cũng như Alastair Holmes, phó giám đốc sáng tạo tại This Place, giải thích rằng: “Khi nói đến thiết kế logo và xây dựng thương hiệu thì dường như xu hướng đơn giản hóa mọi thứ lại được áp dụng. Vì vậy, sẽ có lựa chọn hoặc là lấy logo của nhãn hiệu hiện tại rồi đơn giản hóa nó hoặc là thiết kế lại hoàn toàn một logo khác giản đơn hơn”.

Ông cũng cho biết thêm: “Ví dụ điển hình cho việc này là thương hiệu American Express của Pentagram, họ đã điều chỉnh và làm sạch bản gốc; và thương hiệu Uber, đã thiết kế lại hoàn toàn để làm mới và đơn giản hóa logo.”

Ông lưu ý rằng dù xu hướng đơn giản hóa được nhiều thương hiệu lựa chọn nhưng lý do đưa ra thì có thể khác nhau. Một số công ty hài lòng với những gì mà logo họ thể hiện, một số khác thì muốn thiết kế lại logo để cố gắng tránh xa những tranh cãi trước đó và xây dựng thương hiệu dưới một góc nhìn mới. Trong cả hai trường hợp thì đây đều là cách để phát triển thương hiệu, giúp họ trở nên hiện đại hơn trong mắt khách hàng.

Những ví dụ từ các thương hiệu khác cũng rất nhiều: Best Buy, Mills & Boon, US Open, Santander, City Gateway, Ogilvy, Fat Face, MailChimp… Và những logo này đều có khả năng sẽ tiếp tục trở nên giản đơn hơn trong suốt năm 2019 hoặc xa hơn nữa trong tương lai.

Xu hướng này sẽ còn được duy trì vì nó phản ánh một phần trong thiết kế giao diện kỹ thuật số…và kỹ thuật số đã dần trở nên quan trọng hơn đối với tất cả các công ty lớn.

2.  Responsive logos (Logo thích ứng)

Beth Anderton-Allen, nhà sáng tạo tại Amplify cũng đồng ý rằng nhu cầu về kỹ thuật số đang có ảnh hưởng lớn đến cách thiết kế logo của các nhãn hiệu, và cũng chỉ ra rằng nó đang dần vượt trên cả sự tối giản. Cô chia sẻ: “Do sự gia tăng trong nền tảng di động, thiết kế kiểu logo thích ứng ngày càng trở nên quan trọng hơn”.

Nếu bạn muốn nhìn xem biểu tượng logo thích ứng trông như thế nào trong thực tế thì chỉ cần truy cập trang responsivelogos.co.uk, rồi thay đổi kích thước cửa sổ trình duyệt và xem điều gì sẽ xảy ra.

Yego Moravia, giám đốc sáng tạo điều hành tại Stink Studios cho biết, một biểu tượng logo thích ứng hoàn toàn có thể mở rộng cho trang web hiện đại, nhưng không chỉ về kích thước. Anh giải thích rằng: “Chúng tôi cũng tìm thấy xu hướng trong việc nhận dạng, nơi mà những logo có thể thay đổi bằng cách sử dụng dữ liệu và dựa trên việc người dùng đã đăng nhập hay đăng xuất”.

“Ví dụ, khi người dùng đăng nhập vào hộp thư Gmail, sẽ có một biểu tượng ở góc trên cùng bên phải khác với tài khoản cá nhân cho đến tài khoản doanh nghiệp của họ. Giữa khả năng truy cập, công cụ và ảnh thì đây chỉ là một ví dụ về việc logo đã đáp ứng với hình ảnh của họ tùy thuộc vào dữ liệu được đính kèm. ”                

3.  Authenticity (Tính chân thực)

Không phải mọi thương hiệu trong năm 2018 đều cố gắng đơn giản hóa logo của mình. Holmes nói: “Ý tưởng đơn giản hóa mọi thứ chỉ đặc biệt phù hợp với bất kỳ thương hiệu nào có liên quan mạnh mẽ đến kỹ thuật số”. Ông cũng lưu ý rằng việc tối giản hóa sẽ không phù hợp đối với các thương hiệu muốn truyền đạt tính thẩm mỹ một cách tự nhiên.

“Ví dụ, hãy xem xét nhãn hiệu rượu vang và các nhãn hiệu thực phẩm như Abel & Cole – nhà bán lẻ thực phẩm hữu cơ. Các thương hiệu này đều có sự hiện diện của kỹ thuật số, nhưng nó cũng mang lại cảm giác mộc mạc hơn cho thương hiệu”.

Vậy chính xác thì ‘authenticity’ có ý nghĩa gì trong bối cảnh thiết kế nhận diện thương hiệu? Harmon cho rằng: “Nó có nghĩa là chính bản thân bạn, và trung thực về việc bạn là ai. Các thương hiệu đều đang tự hỏi rằng: ‘Làm thế nào tôi có thể là chính mình nếu sử dụng cùng một phông chữ với hàng trăm thương hiệu khác?’ Đáp lại điều đó, các thương hiệu đang tự tạo phông chữ cho chính bản thân họ và không ai có thể sao chép chúng được”.

Tóm lại, không có một kế hoạch chi tiết nào để có thể xác thực thiết kế logo của bạn. Như Harmon đã giải thích, vấn đề nằm ở việc đặt câu hỏi: “Ví dụ, nếu như thương hiệu của chúng ta ngắn gọn và linh hoạt thì liệu có cần sử dụng phông chữ đậm hay không? Nếu chúng ta thiên về sự thoải mái, thư giãn thì có nên để cho thông điệp trở nên dễ thở hơn không? Mức độ tự phản ánh sẽ gây ảnh hưởng đến mọi quyết định thiết kế đang được thực hiện và nếu các thương hiệu không tự hỏi những câu hỏi đó thì họ sẽ sớm bị các công ty khác bắt kịp”.

4.  Sustainable logo design (Thiết kế logo bền vững)

Liệu việc một thương hiệu xuất hiện với tính xác thực có thật sự xung đột với sự đơn giản hóa? Dưới góc nhìn của Chris Maclean, giám đốc sáng tạo của Wolff Olins thì mọi việc không hẳn là như vậy.

“Một lý do lớn cho việc đơn giản hóa và giảm đi đồ họa trong các biểu tượng logo mà chúng tôi thấy đó chính là theo thời gian thì các hệ thống nhận diện có thể phát triển khác khi xu hướng thiết kế thay đổi, nhưng còn các logo thì có tuổi đời lâu hơn nhiều”, ông giải thích.

“Một thiết kế logo cổ điển hơn sẽ có thể tồn tại lâu dài hơn với thời gian so với các xu hướng nhất thời trong ngày. Vì lý do này, chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều thương hiệu có thể đơn giản hóa biểu tượng của họ hơn để tạo nên sự linh hoạt”.

Ở một ví dụ điển hình, thay vì đưa ra một logo ‘theo xu hướng’ hoàn toàn khác nhau hai năm một lần, thì lần này Maclean lại đem những giá trị của thiết kế cổ điển quay trở lại. Ông trích dẫn các logo trong năm 2018 đến từ Uber, ứng dụng chăm sóc sức khỏe Zocdoc, giao thức truyền thông Zigbee để làm ví dụ về xu hướng này.

Một ví dụ gần đây khác mà bạn có thể thấy trong thương hiệu Carslberg của Taxi Studio; khi vừa ra mắt, đối tác sáng tạo Spencer Buck đã nói với chúng tôi: “Hệ thống thiết kế mới này sẽ chống lại xu hướng hiện nay. Các nhãn hiệu được thiết kế vĩnh viễn hơn bất kỳ thiết kế nào trước đây. Không cần thiết phải thay đổi điều này trong một thời gian dài. Đó là một phần của tư duy bền vững được xây dựng vững chắc trong bản tóm tắt.”

Troy Wade, người đứng đầu chiến lược và đồng sáng lập Brown & co cũng chỉ ra rằng: “Các xu hướng là ngắn hạn. Đó sẽ là điều tuyệt vời nếu bạn dùng trong quảng cáo, nhưng không thích hợp nếu sử dụng trong khoảng thời gian dài. Hãy suy nghĩ về bộ nhận dạng của Coca-cola và Pepsi, cả hai đều luôn cố gắng thay đổi và bắt kịp xu hướng mới nhất”.

5.  Getting playful with fashion logos (Trở nên vui tươi với logo thời trang)

Việc các thương hiệu ngày càng tập trung lâu dài vào việc thiết kế logo chính không có nghĩa là sẽ không có chỗ dành cho sự vui tươi và đổi mới. Thế giới thời trang trong năm nay cũng đã chơi đùa với các biểu tượng logo đến từ các nhãn hiệu khác nhau.

Charley Lewis, giám đốc sáng tạo của Optimist Inc Los Angeles đã nói: “Trong những năm qua, các thương hiệu lớn đã bắt đầu công khai tham gia, hợp tác với nhiều nhà sáng tạo khác nhau, chẳng hạn như giữa nhà thiết kế thời trang người Mỹ Virgil Abloh và Nike”. Điều thứ hai thú vị hơn đó chính là một niềm vui mới được đưa vào logo Nike cổ điển (hình trên).

Một ví dụ khác trong năm 2018 là sự hợp tác giữa H&M và Moschino, với logo ‘H& MOSCHINO’ xuất hiện trên những chiếc áo thun, quần trong và một số phụ kiện. Bên cạnh đó còn có một mashup tương tự giữa Moschino và MTV, để tạo ra logo ‘M[tv]OSCHINO’.

Lewis cũng cho rằng việc một thương hiệu thời trang cao cấp của Thụy Điển hay ngôi nhà thời trang cao cấp của Ý áp dụng phong cách này là hoàn toàn không thể tưởng tượng được trong một thập kỷ trước. Tuy nhiên, sức hút của văn hóa mashup này là không thể cưỡng lại được.

Ông giải thích: “Những sự hợp tác này chính là để các thương hiệu có sự kết nối với thế hệ trẻ khao khát chứng tỏ sự khác biệt. Đối với Gen Z, các lựa chọn cho phong cách cá nhân không nhất thiết được quyết định bởi một nền văn hóa đặc trưng nào như trước đây mà là do sự pha trộn của tất cả văn hóa đương đại. Điều thật sự quan trọng đó chính là cá nhân đó có thể trở nên nổi bật với một quan điểm độc đáo riêng trong phong cách.”

6.  Gradient (Phong cách chuyển màu)

Nếu thiết kế logo cốt lõi đang được sắp xếp hợp lý và đơn giản hóa vào năm 2018, thì việc tạo sự chú ý của mọi người qua màu sắc cũng là một yếu tố các nhà sáng tạo không thể bỏ qua.

Helen Baker, nhà thiết kế cho bộ nhận dạng thương hiệu đã nói rằng: “Xu hướng sử dụng màu Gradient trong thiết kế logo đã ngày càng gia tăng trong năm nay”. Mặc dù vậy, việc sử dụng màu Gradient trong khi xây dựng thương hiệu cho Apple và Sky cũng nên tinh tế hơn.

Baker cho biết thêm: “Nhãn hiệu John Lewis và Waitrose Partnership đều đã được thiết kế lại bởi Pentagram vào đầu năm ngoái, cho thấy logo mới của Waitrose có sự khác biệt với dải màu xanh lá cây khác nhau. Khoảng cách giữa các dải màu xanh lá cũng tạo cảm giác khá trong suốt, một đặc điểm chính mà thương hiệu muốn miêu tả”. Một vài thương hiệu đáng chú ý khác cũng sử dụng màu Gradient trong thiết kế lại logo của họ trong năm nay bao gồm Disney Plus, Firefox và Trivago.

Mỹ Duyên/ ADSangtao

Theo Creative Blog


Được đóng lại, nhưng trackback và pingback được mở.