Neumorphism (hay còn gọi là neo-skeumorphism) là một kiểu thiết kế tập trung vào việc ánh sáng sẽ di chuyển như thế nào. Người tiền nhiệm của nó – skeumorphism – thì cố gắng mang những thứ ngoài đời thực vào trong không gian ảo, từ hình khối của các vật thể cho đến chất liệu bề mặt của nó. Và với macOS Big Sur, có thể Apple sẽ chọn con đường Neumorphism cho việc thiết kế giao diện của mình trong tương lai.
Ngày xưa khi iPhone mới ra đời, Apple đi theo con đường skeumorphism. Ví dụ, bạn nhìn vào icon của ứng dụng Notes, sẽ thấy rằng nó mô phỏng lại tờ giấy để ghi chú và bên trên nó là miếng da thường có trên các quyển sổ. Ứng dụng Calculator thì có bề mặt màu xám mô phỏng lại cái máy tính thật ở ngoài đời.
Các mô phỏng lại ánh sáng và vật liệu cho những thiết kế skeumorphism ngày xưa vẫn còn khá đơn giản: Vật nào sáng lên và vật nào không cần sáng? Vật nào trong suốt, vật nào không? Ánh sáng sẽ phản chiếu như thế nào trên các đối tượng trên giao diện của phần mềm.
Và skeumorphism vẫn nhắm tới nguyên tắc mô phỏng lại các vật thể vật lý mà bạn có thể sờ, nắm được.
Tới khoảng năm 2010, khi mà xu hướng thiết kế “phẳng” bắt đầu xuất hiện. Thiết kế phẳng cho phép nhà thiết kế sử dụng nhiều công cụ về màu sắc và các vật thể hơn so với skeumorphism. Việc tách khỏi các khái niệm về vật thể vật lý cho phép các vật thể trên UI có thể có bất kì màu nào mà designer muốn. Không gian cũng sẽ được tận dụng tốt hơn. Và cũng nhờ việc loại bỏ đi các nguyên tắc về việc tái tạo lại không gian 3 chiều, designer có thêm không gian để tìm tòi, khám phá.
Trong gần 10 năm nổi lên, lợi ích lớn của thiết kế phẳng đó là giúp cho trải nghiệm và cách dùng dễ dàng hơn.
Nhưng theo thời gian, những thiết kế phẳng hoàn toàn theo kiểu 2 chiều cũng dần trở nên ít phổ biến hơn, người ta vẫn muốn đưa vào giao diện phần mềm một chút “vật lý”. Hiện nay cả Android và iOS đều không đi theo thiết kế phẳng thuần túy nữa.
Thế nên người ta mới nói tới neumorphism, nó lai giữa thiết kế phẳng và thiết kế skeumorphism để tạo một sự thân thuộc cho người dùng. Ngoài ra, nó trông mới mẻ hơn trong khi không đòi hỏi người dùng phải làm quen lại. Cái gốc của thiết kế phẳng đó là nó đã mang trong mình chất “digital” sẵn rồi, và các khái niệm về giao diện chồng lên nhau, các trang của app, các lớp giao diện trong 1 màn hình… đều đã được người dùng làm quen trong hơn 8 năm qua rồi. Giờ thì nó lại còn trở nên mới mẻ hơn, và điều đó quan trọng với những công ty như Apple.
Dù sao thì cũng sau hơn 19 năm Apple mới tăng số phiên bản cho hệ điều hành của họ đấy thôi. Năm nay macOS Big Sure là macOS 11, còn trước giờ vẫn là 10.x.y.
Hiện nay các framework về mặt ý tưởng dành cho neumorphism vẫn còn khá mới, và trong giới thiết kế không phải ai cũng thích hướng đi này. Và vì neumorphism là một kiểu thiết kế giao diện, nên nó còn phải được kiểm tra kĩ để đảm bảo người dùng có phản ứng tốt, người dùng biết nó là giao, cái nút đó có ý nghĩa ra sao, icon này có nghĩa là gì ngay khi nhìn vào mà không cần phải giải thích. Nếu bạn thiết kế ra thứ gì đó cho người dùng cuối mà cần phải giải thích chi tiết từng icon thì bạn thua rồi.
Apple cũng đang khá “nhát” chứ họ chưa đổi mạnh tay và đổi hết mọi thứ đâu. Họ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm dần dần. Cũng như iOS 7 hồi mới ra mắt, rồi sau đó liên tục được update về phong cách thiết kế để được như iOS ngày nay đấy thôi.
Nhưng cũng có một số icon đáng chú ý trong đợt này, ví dụ như icon Messages của macOS Big Sur làm cho biểu tượng bong bóng chat nổi bật hơn. Nó thể hiện rất đúng về cách mà neumorphism vận hành dựa trên ánh sáng. Icon của Mac App Store cũng được làm theo cách tương tự. Và icon Preview của ứng dụng xem ảnh, xem tài liệu có sẵn trong macOS thì mô phỏng rất giống kính lúp xem ảnh ngoài đời thực.
Nhưng hãy nhìn vào icon của ứng dụng Photos (cái thứ 2 từ trái sang), ở ngoài đời làm gì có cái gì liên quan đến ảnh mà lại có hình dáng như thế này đâu. Thiết kế này vẫn được giữ lại từ trước, có điều Apple bổ sung một chút shadown và ánh sáng viền để làm cho icon này phù hợp với thiết kế neumorphism của hệ điều hành. Việc này chỉ đơn giản là bổ sung thêm sự phức tạp vào icon chứ không có ý nghĩa thực tế nào.
Những thứ như thế này sẽ cần Apple phải ngồi xuống suy nghĩ nhiều hơn trước khi thay đổi.
Có khả năng trong tương lai, neumorphism sẽ bùng nổ…
Được đóng lại, nhưng trackback và pingback được mở.