Top 10 sản phẩm mang tính biểu tượng nhất của đồ nội thất Bauhaus

1,739

Dưới đây là top 10 đồ nội thất có sức ảnh hưởng nhất do các nhà thiết kế của Bauhaus tạo ra, từ chiếc ghế Wassily Chair của Marcel Breuer đến bộ chơi cờ nhỏ nhắn của Josef Hartwig.

Từ lâu được biết đến với việc phát triển một phong cách riêng biệt, hiện đại, xây dựng trên nguyên tắc của sự đơn giản, các giáo viên và học sinh trường Bauhaus đã thiết kế nên một số đồ nội thất mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ 20.

Đồ nội thất của Bauhaus được thiết kế với nhiều tính năng vượt trội. Xét về các yếu tố cơ bản tạo nên sản phẩm, các thành phần như phía trên hay chân bàn thường được tối giản thành các dạng hình học đơn giản.

Các nhà thiết kế Bauhaus muốn tạo ra những vật dụng có tính thẩm mỹ cao, đồng thời cũng muốn từng sản phẩm có thể được công chúng sử dụng rộng rãi – do đó, thiết kế đơn giản của từng đồ nội thất này sẽ giúp việc sản xuất ra thị trường trở nên hiệu quả hơn.

Để hiểu rõ hơn tính độc đáo, sáng tạo trong từng sản phẩm, hãy cùng xem qua top 10 đồ nội thất mang tính biểu tượng nhất đến từ Bauhaus dưới đây.

1.   Ghế Wassily của Marcel Breuer

Ghế Wassily, còn được biết đến với tên gọi ghế Model B3, được thiết kế bởi kiến trúc sư hiện đại người Hungary và nhà thiết kế đồ nội thất Breue từ giữa năm 1925-1926.

Breuer đã được truyền cảm hứng để tạo ra chiếc ghế là trong khi đang lái xe đạp của mình. Ông hình dung việc lấy những mẩu thép hình ống dùng cho tay lái để uốn nó thành những mảnh đồ nội thất. Breuer đã lấy hình dạng truyền thống từ một chiếc ghế của câu lạc bộ và đơn giản hóa xuống thành một bản phác thảo, trong đó, các bộ phận như chỗ ngồi, lưng và tay ghế đều làm bằng vải bố.

Chiếc ghế này sớm được mọi người biết đến dưới cái tên Ghế Wassily, đặt theo tên của người họa sĩ người Nga Wassily Kandinsky. Đây là một người bạn cũng như là người hướng dẫn của Breuer, người đã ca ngợi thiết kế của sản phẩm này khi được sản xuất lần đầu tiên.

2.   Nôi em bé của Peter Keler

Tác phẩm của Kandinsky là nguồn cảm hứng cho kiến trúc sư người Đức Peter Keler để tạo ra sản phẩm Baby Cradle. Đây là thành phẩm mà ông đã thiết kế dành cho triển lãm đầu tiên của Bauhaus ở Haus am Horn tại Weimar năm 1923.

Keler đã lấy cảm hứng từ quyển sách của Kandinsky nói về lý thuyết màu sắc từ năm 1911, điều này đã tạo ra cảm giác của ông về màu sắc và tác động tâm lý của chúng lên con người.

Bao gồm các hình dạng đơn giản như hình tam giác, chữ nhật và một số màu cơ bản , phần thân nôi được tạo ra là một khối màu đỏ và vàng kèm với vòng tròn màu xanh dương. Đây là bảng màu được công nhận là nhãn hiệu của Bauhaus.

3.   Bộ cờ vua Bauhaus của Josef Hartwig

Nghệ sĩ sinh ra ở Munich, Josef Hartwig đã thiết kế một bộ cờ vua 32 quân cho Bauhaus từ năm 1923 đến năm 1924 bằng cách sử dụng các đường kẻ, hình tròn và hình vuông, để biến các chức năng chuyển động của chúng trở nên cơ bản nhất.

Ví dụ, quân tượng hình chữ X đại diện cho các chuyển động đường chéo, trong khi các chuyển động gần như vô giới hạn của quân hoàng hậu được thể hiện dưới dạng một hình cầu đặt trên khối lập phương.

Bằng cách loại bỏ tất cả các biểu tượng tôn giáo và quân chủ thường được sử dụng trong cờ vua, các nhà thiết kế người Đức đã hướng tới việc thiết kế loại trò chơi này cho một thế kỉ hiện đại hơn.

4.   Ghế Brno của Mies van der Rohe

Ghế Brno, được thiết kế bởi kiến trúc sư hiện đại Ludwig Mies van der Rohe trong khoảng giữa năm 1929 và 1930, cũng là minh họa cho nguyên lý Bauhaus về việc cắt giảm những vật thể thành các thành phần cơ bản nhất.

Thiết kế được dựa trên ý tưởng rằng một chiếc ghế không nhất thiết phải có đầy đủ bốn chân, mà có thể sử dụng thanh hình chữ C để làm khung hỗ trợ cho toàn bộ chỗ ngồi.

5.   Ấm pha trà của Marianne Brandt

Năm 1924, nghệ sĩ người Đức Marianne Brandt đã lấy thiết kế của một chiếc ấm trà thông thường và lột tất cả những vật trang trí ở ngoài ra để tạo ra chiếc ấm pha trà có dạng hình học.

Với chiều cao bảy xen-ti-mét, chức năng của chiếc ấm pha trà nhỏ nhắn này không giống như những loại ấm thông thường khác, nó được dùng để chưng cất chiết xuất đậm đặc, khi kết hợp với nước nóng trong cốc, có thể sản xuất ra nhiều loại trà với bất kỳ độ mạnh mong muốn nào.

Với hình dáng và màu sắc đơn giản, phần thân ấm là bán cầu bằng bạc được hỗ trợ bởi một thanh ngang, trong khi tay cầm hình chữ D được đặt ở vị trí cao trên thân để dễ rót trà ra hơn.

6.   Tủ quần áo trên con lăn của Josef Pohl

Tủ quần áo gỗ dán đơn giản này được tạo ra bởi nhà thiết kế người Séc Josef Pohl vào năm 1929. Đây được gọi là “Bachelor’s Wardrobe” do chất lượng di động và tiết kiệm không gian của nó.

Được thiết kế linh hoạt và tiện lợi, tủ quần áo hình chữ nhật được gắn trên những bánh xe nhỏ, giúp dễ dàng di chuyển đến các địa điểm khác nhau. Sản phẩm được thiết kế để cho phép mọi người trang trí căn hộ của mình với mức giá phải chăng.

Với không gian rộng rãi để treo đồ và có cả kệ giữ đồ ở bên cạnh, và một tủ giày bên trong, tủ quần áo này trông khá nhỏ gọn và tiện lợi. Khung tủ trông khá gọn gàng, ngăn nắp mà không hề có nhiều đồ phụ tùng phức tạp.

7.   Ghế Barcelona của Mies van der Rohe

Được thiết kế vào năm 1929 bởi Mies van der Rohe cho Triển lãm Quốc tế Barcelona, chiếc ghế Barcelona có hai tấm đệm hình chữ nhật mỏng đặt trên một khung thép nhẹ không gỉ.

Khung ghế ban đầu được thiết kế để gắn vào nhau, nhưng nó được thiết kế lại vào năm 1950 bằng cách sử dụng thép không gỉ, cho phép sản phẩm được tạo thành từ một mảnh kim loại liền mạch. Tấm da bò cũng được sử dụng thay cho da lợn gốc có màu ngà voi.

8.   Đèn MT8 của William Wagenfeld và Carl Jakob Jucker

Chiếc đèn bàn này được thiết kế bởi nhà thiết kế người Đức Wilhelm Wagenfeld và nhà thiết kế người Thụy Sĩ Carl Jakob Jucker. Được biết đến với tên gọi Đèn Bauhaus, sản phẩm này theo sát nguyên tắc chính của Bauhaus đó là “tạo hình có đủ chức năng”.

Chân của chiếc đèn bàn có dạng hình tròn, một trục hình trụ và bóng đèn hình cầu, với thiết kế dạng hình học đơn giản này sẽ giúp không chỉ tiết kiệm về thời gian mà còn về việc tìm kiếm chất liệu. Đèn được làm từ kính và kim loại được cắt chính xác với bóng đèn mờ đục – một chất liệu mà trước đây chỉ được sử dụng cho chiếu sáng công nghiệp.

9.   Tay nắm cửa của Walter Gropius

Tay nắm cửa hiện đại này do nhà sáng lập Bauhaus và kiến trúc sư người Đức Walter Gropius chế tạo. Sản phẩm này lần đầu tiên được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 1923, sau khi ban đầu được thiết kế cho nhà máy Fagus ở Alfeld, Đức.

Được làm từ đồng thau mạ niken và được sản xuất bởi nhà sản xuất sắt rèn Izé, tay nắm cửa kiểu công nghiệp này bao gồm một tay nắm hình trụ và thân hình vuông có thể quay. Theo Izé, tay nắm cửa là sản phẩm thương mại thành công nhất của Bauhaus.

10. Bàn lồng vào nhau của Josef Albers

Josef Albers, nghệ sĩ người Mỹ gốc Đức đã thiết kế bộ bàn hiện đại này trong tư cách là giám đốc nghệ thuật của xưởng đồ nội thất tại Bauhaus từ 1926 đến 1927.

Mỗi bàn được làm từ gỗ sồi cứng và kính acrylic được quét sơn. Sản phẩm này được biết đến như là một tác phẩm nghệ thuật hình học đầy màu sắc. Albers đã áp dụng cùng một phong cách cho từng bàn, nhưng lại sử dụng nhiều màu sắc riêng biệt như màu xanh dương, đỏ, vàng và trắng.

Bauhaus là trường nghệ thuật và thiết kế có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, họ sắp đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập trường

Mỹ Duyên/ ADSangtao

Dịch theo dezeen

Được đóng lại, nhưng trackback và pingback được mở.