14 THƯƠNG HIỆU VIỆT VỀ TAY DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI

7,749

Các thương hiệu này ra đời vào những thời điểm đầu tiên trên thị trường Việt Nam lúc mở cửa. Việc bán lại thương hiệu cho các Doanh nghiệp nước ngoài cũng gây cho chúng ta sự tiếc nuối nào đó. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng, sau khi được bán lại, các thương hiệu phủ sóng rộng rãi hơn, phát triển nhiều hơn và lợi nhuận tăng nhiều hơn. Có thể xét đến những lí do bán lại các thương hiệu như: thua lỗ trong doanh thu, không đủ vốn liếng để duy trì hay tham vọng muốn đưa sản phẩm của Việt Nam ra thế giới. 

Hãy cùng ADSangtao điểm qua 14 thương hiệu Việt Nam đình đám ở dưới đây:

Highlands Coffee bán lại cho Jollibee:

Đầu tiên chúng ta phải nói đến thương vị đình đám này. Highlands Coffee thuộc sở hữu của VTI (Việt Thái International) là chuỗi cafe sang trọng, nổi tiếng nhất nhì trong giới cà phê. Đẳng cấp của Highlands thể hiện ở việc lựa chọn phục vụ ở phân khúc doanh nhân với những vị trí ở các mặt tiền đắt địa. Đang trên đà phát triển và ăn nên làm ra, tại sao Highlands lại bán cho Jollibee? Jollibee đã chi ra 25 triệu USD để mua lại 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh Hồng Kông của tập đoàn VTI do doanh nhân David Thái sở hữu. Không chỉ có vậy, Jollibee đã đồng ý cho tập đoàn này vay thêm 35 triệu USD với lãi suất chỉ 5%. Theo lời đại diện của Jollibee, khoản tiền này sẽ được VTI dùng để đầu tư cho tương lai. Không chỉ có vậy, có vẻ như cả 2 đều có tầm nhìn khi nhận thấy đối thủ cạnh tranh đáng gờm Starbucks trong tương lai gần. Vì thế việc David Thái bán Highlands cho Jollibee là hoàn toàn đúng đắn.

X-men bán lại cho Marico Ấn Độ:

X-men thuộc sản phẩm của Công ty hàng gia dụng quốc tế (ICP) do ông Phan Quốc Công và một người bạn thành góp vốn chung thành lập năm 2001. Vào thời điểm ra đời, X-men vô cùng thành công khi sản phẩm đánh vào phân khúc nam mà chưa có thương hiệu nào để ý tới. Tới năm 2011, các quỹ đầu tư thoái vốn, ICP cần tìm cho mình nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, cùng ngành nghề. Tháng 3/2011, tập đoàn mỹ phẩm Marico của Ấn Độ mua lại 85% cổ phần ICP từ quỹ ngoại và những nhà sáng lập nhưng vẫn giữ lại toàn bộ nhân sự điều hành. Đến năm 2014 Marico nắm giữ xấp xỉ 100% lợi ích và quyền biểu quyết tại ICP. Quyết định rót vốn của Marico đem đến bước ngoặt lớn với ICP. Theo chia sẻ của ông Công, sau 3 năm bán cho Marico doanh thu của công ty này đạt hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi so với trước khi bán.

Diana bán lại cho Unicharm (Nhật Bản):

Ra đời từ năm 1997, Diana là thương hiệu băng vệ sinh Việt của Công ty Cổ phần Diana, do anh em ông Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú thành lập với tổng số tiền đầu tư ban đầu là 600.000 USD. Khi đang ở trên đỉnh cao của sự phát triển, là nhà kinh doanh nhanh nhạy, ông Phú biết rõ rằng nếu chỉ dựa vào tiềm lực của mình, Dianna cũng sẽ chỉ phát triển trong nước mà chưa thể vươn xa đến thị trường toàn cầu. Vì lẽ đó, khi cơ hội đến, ông Phú đã quyết định chấp nhận bán Dianna cho tập đoàn Unicharm (Nhật Bản). Chỉ sau 3 năm kể từ khi “đổi chủ”, tình hình tài chính của Diana đã thay đổi rõ rệt. Kết thúc năm 2014, công ty đạt 3.900 tỷ doanh thu và hơn 800 tỷ lợi nhuận sau thuế.

P/S bán lại cho Unilever:

Nhãn hiệu kem đánh răng P/S được Công ty hóa phẩm P/S trực thuộc Sở Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phát triển từ năm 1975. Trong một giai đoạn rất dài, không dưới 20 năm (1975 – 1995) P/S đã xác lập được vị thế dẫn đầu về sản phẩm chăm sóc răng miệng trên thị trường Việt Nam và chiếm được lòng tin yêu của đông đảo người tiêu dùng Việt. Sau đó, P/S đã được bán lại cho Unilever  với giá chuyển nhượng lên tới 5 triệu USD – một con số không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm đó. Câu hỏi được đặt ra rằng nếu thời điểm đó P/S không được bán cho Unilever thì liệu rằng nó có thể vững mạnh đến ngày hôm nay?

Kinh Đô bán lại cho Mondelez International:

CTCP Kinh Đô (KDC) xuất phát điểm là một cơ sở nhỏ được thành lập từ năm 1993 là Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô. Bằng nội lực và uy tín thương hiệu, Kinh Đô cũng ghi dấu ấn tiên phong, nhạy bén trong hoạt động M&A với hàng loạt thương vụ hợp tác cùng các đối tác lớn cả trong và ngoài nước. Đánh dấu chặng đường mười năm thành lập công ty, Kinh Đô một lần nữa tạo tiếng vang bằng việc mua lại nhà máy sản xuất kem Wall’s của Unilever vào năm 2003, để mở rộng ngành hàng sản xuất kinh doanh. Tháng 7/2015, Kinh Đô đã chính thức công bố việc gia nhập Mondelēz International – một trong những công ty hàng đầu thế giới về thức ăn nhẹ với các thương hiệu bánh quy Oreo, bánh quy giòn Ritz chocolate, chocolate Cadbury, cà phê và đồ uống hòa tan, doanh thu năm 2015 xấp xỉ 30 tỷ USD.

Nguyễn Kim bán lại cho Central Group (Thái Lan):

Nguyễn Kim – nhà bán lẻ điện máy hàng đầu tại thị trường Việt Nam đã bán lại cho Central Group 49% cổ phần của NKT với số tiền hơn 100 triệu USD. Từ sau khi thương vụ giữa Nguyễn Kim và Central diễn ra, việc triển khai, mở rộng hệ thống siêu thị của Nguyễn Kim dường như không khiến bất kỳ ai có ấn tượng. Trong khi đó, các đối thủ của Nguyễn Kim liên tiếp mở rộng để đón đầu tăng trưởng như vũ bão của ngành điện máy. Có lẽ việc mua lại Nguyễn Kim là một bước đi sai lầm của Central Group.

Phở 24 bán lại cho Việt Thái International (VTI):

Năm 2003, cửa hàng Phở 24 chính thức ra đời tại TPHCM. Tiến sĩ Lý Quí Trung, người sáng lập thương hiệu Phở 24, đã làm được việc mà chưa ai làm trước đó: nâng phở truyền thống của Việt Nam lên tầm món ăn trong nhà hàng sang trọng, có điều hòa mát mẻ, phục vụ tận tình. Vì phát triển ồ ạt trong khi quản lý hệ thống chưa tốt, cộng thêm khó khăn về mặt tài chính khiến nhiều cửa hàng lâm vào tình trạng đóng cửa. Một số cửa hàng nhượng quyền thì tự ý phá vỡ cấu trúc kinh doanh chung như thêm món ăn không thuộc thực đơn chuẩn của Phở 24, cắt bớt khẩu phần ăn, không bật máy lạnh… ảnh hưởng đến uy tín của cả thương hiệu.

Chẳng còn lựa chọn nào khác, ngày 11/11/2011, Phở 24 bán mình cho Viet Thai International, thuộc tập đoàn Jollibee đến từ Phillipines, chấm dứt ước mơ đưa thương hiệu phở Việt lên tầm quốc tế sau 9 năm phát triển.

Tribeco bán lại cho Uni-President Việt Nam (công ty mẹ ở Đài Loan):

Như vậy sau tròn 20 năm thành lập và phát triển, Tribeco – một trong những thương hiệu nước giải khát khá quen thuộc với người tiêu dùng TP.HCM – tới đây sẽ biến mất, thay vào đó là cái tên Tribeco Bình Dương, hiện do nhà đầu tư nước ngoài nắm 100% vốn. Uni-President Việt Nam nắm quyền chi phối và sở hữu 100% Tribeco Bình Dương, giờ ung dung hưởng lợi. Với việc đẩy Tribeco rơi vào cảnh buộc phải giải thể, nhà đầu tư nước ngoài này được độc chiếm thương hiệu Tribeco gắn với “đuôi” Bình Dương, chưa kể còn được hưởng một thị phần đáng kể của sản phẩm này mà không phải tốn một đồng để xây dựng thương hiệu.

Cầu Tre bán lại cho CJ (Hàn Quốc):

Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre tiền thân là Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, được xây dựng từ năm 1982 và hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến nguyên liệu thủy hải sản và nông sản. Sau khi trở thành cổ đông nắm giữ 71,6% vốn điều lệ, Tập đoàn CJ đã đổi tên và điều chỉnh ngành nghề kinh doanh của Cầu Tre. Cụ thể  thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre, điều chỉnh bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như chế biến rau quả, sản xuất các loại bánh từ bột và thức ăn chế biến sẵn…Ngoài việc thoát lỗ, Công Ty Thực phẩm CJ Cầu Tre chấm dứt chuỗi ba năm liên tiếp kinh doanh tụt dốc. Lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 80 tỷ đồng, trong khi năm trước con số này chỉ khoảng một tỷ đồng.

Sabeco bán lại cho Thaibev:

Sabeco là doanh nghiệp sản xuất bia lâu đời với hơn 140 năm kinh nghiệm, sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam như bia Sài Gòn và bia 333. Đồng thời, Sabeco chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường bia Việt và là một trong những công ty bia đầu ngành ở ASEAN. Vào cuối năm 2017, Sabeco đã bán lại cho Thaibev 53,59% cổ phần với giá 320.000 đồng, tương đương 343,642 triệu cổ phần. Đây là mức giá đấu thầu tối thiểu mà phía cơ quan Nhà nước đưa ra. Kết thúc quý II/2019, lợi nhuận sau thuế của Sabeco đạt 1.530 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của Sabeco tăng lên 2.413 tỉ đồng, tương đương với 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bibica bán lại cho Lotte:

Công ty cổ phần Bibica là một trong những công ty sản xuất và kinh doanh bánh kẹo hàng đầu tại Việt Nam và có thương hiệu rất quen thuộc với người tiêu dùng. Tính tới thời điểm hiện tại, Lotte chiếm 44% vốn cổ phần. Với mong muốn dùng Bibica làm bàn đạp để thâm nhập ngành thực phẩm. Đánh giá về chiến lược này của Lotte khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, một chuyên gia về đầu tư nước ngoài cho rằng đây là bước đi khá khôn ngoan và thận trọng. Cũng bởi, nếu trực tiếp đầu tư vào ngành bán lẻ hay thực phẩm, hãng này sẽ gặp phải không ít rủi ro do những rào cản về chính sách hay thị trường. Và do vậy, chiến lược hợp tác với hãng nội thông qua việc tăng vốn điều lệ để trở thành cổ đông chiến lược sẽ là nước cờ khá thông minh để thâm nhập sâu vào thị trường.

Prudential VN bán lại cho Shinhan bank:

Prudential là tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới, là một trong những tổ chức phi ngân hàng nước ngoài đầu tiên được cấp phép cho vay tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Vào năm ngoái, Shinhan chi 151 triệu đô la Mỹ, khoảng 3.400 tỉ đồng, để mua lại mảng tài chính tiêu dùng của Prudential, sau khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Tài chính tiêu dùng không phải là lĩnh vực cốt lõi của Prudential tại Việt Nam, Thương vụ này đánh dấu sự rút lui của Prudential khỏi lĩnh vực tài chính tiêu dùng Việt Nam sau hơn 10 năm hoạt động nhằm tập trung vào hoạt động cốt lõi, nhưng với Shinhan là sự thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này.

Megastar bán lại cho CGV:

Megastar – tên viết tắt của Công ty liên doanh Megastar Media JV Việt Nam khai trương cụm rạp đầu tiên tại tòa nhà Vincom – Hà Nội vào tháng 4/2006. Ngay lập tức, cụm rạp với 8 phòng chiếu này đã trở thành hình mẫu hiện đại hàng đầu Việt Nam. Thương vụ “đổi chủ” của hệ thống rạp chiếu Megastar với trị giá lên tới nhiều chục triệu đô la giữa CJ – CGV và EMP.

Kem đánh răng Dạ Lan bán lại Cho Colgate:

Năm 1988, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan ra đời và trở thành thương hiệu nổi bật tại Việt nam vào những năm 1990, thậm chí đánh bại nhiều thương hiệu của Trung Quốc. Năm 1995, nhà sáng lập Trịnh Thành Nhơn quyết định bán Dạ Lan cho đối tác Colgate Palmolive, rời ghế lãnh đạo với hi vọng công ty của Mỹ có thể giúp Dạ Lan lớn mạnh và vươn tầm khỏi biên giới Việt. Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau, Dạ Lan đã gần như bị xóa sổ, thay vào đó là tên tuổi của dòng kem đánh răng nước ngoài Colgate. Giờ đây, người Việt dùng nhiều sản phẩm của Colgate và họ hầu như không còn nhớ gì về Dạ Lan, một trong những tên tuổi hóa mỹ phẩm hàng đầu Việt Nam thế kỷ 20. Và chắc chắn sai lầm lớn nhất của Dạ Lan là bán tâm huyết của mình cho Colgate.

Thúy Hòa | ADSangtao

Tổng hợp

Được đóng lại, nhưng trackback và pingback được mở.