Tài liệu tiết lộ Facebook coi trẻ em là “nguồn tài nguyên chưa được khai thác”

802

Nghiên cứu của Facebook cho biết, trẻ em từ 10 đến 12 tuổi là đối tượng “có giá trị nhưng chưa được khai thác”.

Tờ Wall Street Journal mới đây đã xuất bản bài báo mới nhất trong loạt bài điều tra “Hồ sơ Facebook”, thậm chí còn đi sâu hơn vào những nỗ lực của Facebook trong việc nhắm mục tiêu và tuyển dụng trẻ nhỏ.

Các tài liệu nội bộ mà Wall Street Journal thu được tiết lộ Facebook đã thành lập một nhóm đặc biệt để nghiên cứu trẻ em và tìm cách kiếm tiền từ những đứa trẻ. Một tài liệu như vậy đã đề cập đến trẻ em trong độ tuổi từ 10-12 như những “đối tượng có giá trị nhưng chưa được khai thác”.

Trong khi đó một tài liệu khác đề xuất “tận dụng những buổi vui chơi” như một cách để thúc đẩy “tăng trưởng” của Facebook.

Một tài liệu khác được ghi nhận vào tháng 3/2021 có nhắc đến việc Facebook đang phải vật lộn với “sự thâm nhập toàn cầu của thanh thiếu niên” và cảnh báo việc tiếp nhận người dùng thanh thiếu niên “dường như đang chậm lại”. Facebook dự báo lượng người dùng trong độ tuổi thanh thiếu niên sẽ giảm mạnh thêm 45% vào năm 2023.

Hoạt động kinh doanh dựa trên quảng cáo sinh lợi của Facebook chủ yếu thu lời từ việc theo dõi người dùng và tạo hồ sơ hành vi toàn diện dùng cho hoạt động quảng cáo “nhắm mục tiêu vi mô” và đo lường hiệu quả của chúng. Trong khi luật liên bang cấm thu thập dữ liệu của trẻ em dưới 13 tuổi, Facebook đã dành nhiều năm để tìm cách thuyết phục trẻ em chấp nhận dịch vụ của mình ngay khi chúng đủ tuổi để được theo dõi.

Một tài liệu khác của Facebook tiết lộ trẻ em “truy cập Internet khi mới chỉ 6 tuổi”. Do đó Facebook đang nghĩ đến việc thiết kế trải nghiệm mới dành cho những đứa trẻ từ tầm tuổi đó.

Tuần này, Facebook cho biết họ đang tạm dừng nỗ lực ra mắt ứng dụng “Instagram Kids”. Thông báo này xuất hiện không lâu sau một nghiên cứu nội bộ gần đây của Facebook tiết lộ, Instagram tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần của một số người dùng vị thành niên.

Nghiên cứu cho biết: “Instagram làm cho vấn đề hình ảnh cơ thể trở nên tồi tệ hơn đối với một trong mỗi ba cô gái tuổi teen”. Theo đó một số cô gái tuổi teen đã theo dõi ý tưởng tự tử của chính họ và chia sẻ trải nghiệm trên nền tảng này.

Facebook sau đó khẳng định nghiên cứu là sai lệch và chỉ ứng dụng cho “những cô gái tuổi teen chia sẻ họ đang gặp vấn đề về hình ảnh cơ thể và báo cáo việc sử dụng Instagram khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn. Và nó không phải 1/3 trong số tất cả các cô gái tuổi teen”.

Báo cáo khiến các nhà lập pháp đảng Dân chủ kêu gọi CEO Mark Zuckerberg từ bỏ dự án Instagram Kids và họ cho rằng, ứng dụng này “gây ra những mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe của những người trẻ tuổi”.

Facebook đã thách thức các đánh giá của Wall Street Journal về nghiên cứu Instagram nội bộ của công ty nhưng cho đến nay công ty vẫn từ chối cung cấp nghiên cứu. Nick Clegg, giám đốc chính sách của Facebook cho biết, mạng xã hội này sẽ phát hành hai trang trình chiếu nội bộ tóm tắt nghiên cứu của mình “cho cả Quốc hội  Mỹ và sau đó là công chúng trong vài ngày tới”.

Các tài liệu Facebook đề cập đến trẻ em như một nhóm nhân khẩu học “có giá trị” và “chưa được khai thác”, trái ngược với động cơ đã nêu ban đầu là triển khai dịch vụ lấy trẻ em làm trung tâm.

Facebook lập luận rằng trẻ em dưới 13 tuổi có khả năng thử tham gia Facebook và Instagram trong khi nói dối về tuổi của họ. Công ty tuyên bố rằng việc tạo ra một ứng dụng dành riêng cho trẻ em sẽ giúp bảo vệ chúng bằng cách tách chúng khỏi các nền tảng của người lớn.

Một tiểu ban của Thượng viện do Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal chủ trì đã triệu tập một phiên điều trần để giải quyết những phát hiện về nghiên cứu nội bộ chưa được chia sẻ của Facebook. Dự kiến người làm chứng sẽ là Antigone Davis, người đứng đầu toàn cầu về an toàn của Facebook.

Blumenthal cho biết: “Phiên điều trần này sẽ xem xét tác động độc hại của Facebook và Instagram đối với giới trẻ và những người khác. Tại đây sẽ đặt ra những câu hỏi hóc búa về việc liệu các công ty Big Tech có đang cố ý làm hại mọi người và che giấu kiến thức đó hay không”.

Nguồn: Gizmodo, Vnreview

Được đóng lại, nhưng trackback và pingback được mở.